Ngày 24/10, Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2022 do PGS.TS Nguyễn Đình Phư – Hiệu trưởng Nhà trường làm Chủ tịch Hội đồng, đã tiến hành nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng tới khối lượng công việc của điều dưỡng tại 5 trung tâm y tế tuyến huyện và bệnh viện khu vực tỉnh bình định năm 2020”.
Tham gia nghiệm thu đề tài có TS. Văn Thiên Hào (Trưởng Phòng QLNCKH&ĐN) – Thư ký, TS. Triệu Nguyên Trung (Phản biện đề tài), TS. Hồ Đắc Thoàn (Phản biện đề tài). Đề tài do PGS.TS Nguyễn Huy Nga – Trưởng Khoa Y, làm chủ nhiệm, cùng sự tham gia của các thành viên: BSCKI. Trần Gia Tăng (Phó Khoa Y, Giảng viên), ThS. Lê Văn Tàu (Giảng viên Khoa Y), ThS. Mai Tường Vy (Giảng viên Khoa Y).
Ngành Điều dưỡng là một trong ba trụ cột của nền y tế, bao gồm: điều trị, chăm sóc và dự phòng. Hiện nay, vai trò của điều dưỡng viên không những được đánh giá cao trong ngành Y tế mà được cả xã hội ghi nhận. Bên cạnh đó, tại VN, ngành Điều dưỡng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi nhu cầu khám bệnh, dịch vụ y tế, việc tăng dân số, tăng tuổi thọ trung bình, tỷ lệ các bệnh mãn tính.. đều tăng cao, trong khi nguồn nhân lực điều dưỡng chưa đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng.
Tỉ lệ điều dưỡng viên so với bác sĩ ở Việt Nam chỉ là 1,7/1 thấp hơn nhiều so với yêu cầu 2,5-3,5/1 (mức trung bình của thế giới). Trước đó, đã có một vài nghiên cứu liên quan đến khối lượng công việc và nghiên cứu năng lực điều dưỡng.Tuy nhiên, ở Bình Định vẫn chưa tìm thấy nghiên cứu cụ thể nào về vấn đề này để có cái nhìn khách quan hơn về công việc của điều dưỡng viên, từ đó có những bố trí nhân lực thích hợp. Trường Đại học Quang Trung đang tiến hành đào tạo cử nhân điều dưỡng, vì vậy cần có những nghiên cứu về công việc của các điều dưỡng viên ở địa phương để phục vụ công tác đào tạo. Đây là lý do nhóm tác giả đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng tới khối lượng công việc của điều dưỡng tại 5 trung tâm y tế tuyến huyện và bệnh viện khu vực tỉnh bình định năm 2020”.
Nhóm tác giả đã làm khảo sát và thu thập dữ liệu về khối lượng công việc và môi trường làm việc của các điều dưỡng viên tại các trung tâm y tế huyện, bệnh viện khu vực tỉnh Bình Định năm 2020. Theo đó, nhóm tác giả đã kết luận: Hiện tại, khối lượng công việc của điều dưỡng viên là vừa phải. Tuy nhiên sắp xếp bố trí thời gian làm việc chưa hợp lý, chế độ làm việc của điều dưỡng viên hầu như không có thời gian giải lao hay nghỉ giữa ca và thời gian làm việc còn trực đêm nhiều. Hai yếu tố ảnh hưởng đến công việc của điều dưỡng viên là môi trường làm việc và các yếu tố căng thẳng. Bên cạnh đó, các yếu tố như thu nhập, nguy cơ lây nhiễm bệnh, phản ứng thái độ của bệnh nhân/người nhà bệnh nhân, áp lực truyền thông báo chí… cũng tác động đến tâm lý và khối lượng công việc của điều dưỡng viên.
Nhóm tác giả cũng kiến nghị một số phương án cải thiện thực trạng trên như: cải thiện môi trường làm việc, phân công/bố trí thời gian thời gian làm việc đảm bảo 8 tiếng/ngày, tăng chế độ đãi ngộ, mở lớp bồi dưỡng kiến thức về an toàn lao động theo từng vị trí chuyên môn… cho các điều dưỡng viên.
Đề tài được thực hiện đúng tiến độ, có giá trị khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đề tài cũng đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế đồng thời đưa ra một số góp ý để nhóm tác giả tiếp tục hoàn thiện đề tài được tốt hơn. Kết thúc buổi nghiệm thu, Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất thông qua đề tài với kết quả đánh giá xếp loại Tốt.
Kết luận, PGS.TS Nguyễn Đình Phư – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tinh thần nghiêm túc của các thành viên Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cũng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn của nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Y để thực hiện thành công đề tài có ý nghĩa thực tiễn này.
Hội đồng nghiệm thu đề nghị nhóm nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của các thành viên Hội đồng thẩm định, đồng thời chỉnh sửa lại đề tài nghiên cứu đảm bảo chất lượng tốt nhất, để các kết quả nghiên cứu của đề tài thực sự góp phần quan trọng trong việc thay đổi góc nhìn về nghành Điều dưỡng và phục vụ công tác đào tạo, tuyển sinh ngành Điều dưỡng.
Ngọc Thiện