Sáng 29/11, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ tổ chức buổi Báo cáo Seminar “Đặc điểm biến đổi áp lực nước lỗ rỗng dư trong đất cát cho khu vực Thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định dưới tác dụng tải trọng chu kỳ”.
Tác giả đề tài nghiên cứu khoa học này là ThS. Hứa Thành Thân – Giảng viên đảm nhiệm giảng dạy và nghiên cứu các đề tài liên quan đến Cơ đất- Địa chất công trình thuộc khoa Kỹ thuật công nghệ (Trường Đại học Quang Trung).
Theo tiêu chuẩn thiết kế TCVN 9386-2012 cho công trình chịu động đất có đề cập đến ứng suất cắt tuần hoàn do động đất τe, nguy cơ hóa lỏng, biểu đồ thực nghiệm quan hệ giữa tỷ ứng suất kháng tuần hoàn CRR với giá trị SPT N1,60,… chưa hướng dẫn về cách xác định tỷ áp lực nước lỗ rỗng thặng dư ru theo số vòng lặp chu kỳ n cho nền đất loại cát, có xét khả năng hóa lỏng khi động đất.
Hiện nay, nhiều nơi ở khu vực thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) có địa chất nền đất loại cát dày hơn 10m trong khu vực bị ảnh hưởng động đất, đã xây dựng nhiều công trình nhà cao tầng. Tuy nhiên khi thiết kế tính toán sức chịu tải dọc trục của cọc cho công trình loại này không đề cập đến khả năng hóa lỏng của nền đất loại cát.
Phạm vi của bài báo này là thiết lập hệ số hiệu chỉnh của tỷ áp lực nước lỗ rỗng dư (kru) giữa giá trị của tỷ áp lực nước lỗ rỗng dư ở tần số 2 Hz và ở tần số 1 Hz với tỷ CSR cho nền đất loại cát, hạt rời của nền địa chất ở khu vực ven biển tại thành phố Quy Nhơn có xét khả năng hóa lỏng bằng thí nghiệm ba trục gia tải lặp cho tần số f là 1 Hz và 2 Hz.
Sử dụng kết quả của thí nghiệm ba trục gia tải lặp theo tiêu chuẩn ASTM D5311 với lộ trình ứng suất nén – kéo chu kỳ (CTC-RTE) và lộ trình ứng suất kéo chu kỳ (RTE) nhằm đánh giá cho tỷ áp lực nước lỗ rỗng dư (ru) với tỷ ứng suất cắt chu kỳ (CSR) cho 10 mẫu cát tại khu vực của thành phố Quy Nhơn, kết quả nghiên cứu chỉ ra quan hệ giữa ru với CSR và số vòng lặp chu kỳ (n) trong khoảng tần số (f) bằng 1 Hz và 2 Hz. Từ đó, thiết lập cho quan hệ giữa hệ số hiệu chỉnh tỷ áp lực nước lỗ rỗng dư (kru) – kru là tỷ số của tỷ áp lực nước lỗ rỗng dư ở tần số 2 Hz và tỷ áp lực nước lỗ rỗng dư ở tần số 1 Hz, với CSR là một dạng hàm số parabol. Giá trị của kru được là 1.00 ÷ 2.42 với giá trị của CSR được là 0.17 ÷ 0.33 khi xem xét với độ chặt tương đối Dr = 0.172 ÷ 0.373 cho CTC-RTE. Giá trị của kru được là 0.21 ÷ 0.99 với giá trị của CSR được là 0.05 ÷ 0.22 khi xem xét với độ chặt tương đối Dr = 0.255 ÷ 0.316 cho RTE.
Dựa trên cơ sở lý thuyết, cơ sở thí nghiệm đã đưa ra kết luận như sau: Tỷ CSR giảm khi số vòng lặp n tăng, giá trị của CSR của tần số f = 1 Hz lớn hơn giá trị của CSR của tần số f = 2 Hz cho cùng số vòng chu kỳ n (CTC-RTE, RTE). Tỷ ru tăng khi số vòng lặp n tăng, giá trị của ru cho tần số f = 1 Hz lớn hơn giá trị của ru cho tần số f = 2 Hz cho cùng số vòng chu kỳ n (CTC-RTE, RTE). Giá trị của ruq,f=2Hz lớn hơn giá trị của ruq,f=1Hz khi số vòng lặp chu kỳ n tăng (CTC-RTE, RTE). Lộ trình ứng suất CTC – RTE thì giá trị của ru,f=1Hz lớn hơn giá trị của ru,f=2Hz khi CSR > 0.17. Tỷ số kru tăng khi CSR tăng và khi CSR = 0.17 thì giá trị của kru = 1.0 (Dr = 0.172 ÷ 0.373). Lộ trình ứng suất RTE thì giá trị của ru,f=1Hz lớn hơn giá trị của ru,f=2Hz khi CSR > 0.05. Tỷ số kru tăng khi CSR tăng và khi CSR = 0.05 thì giá trị của kru = 1 (Dr = 0.255 ÷ 0.316).
TRẦN THẾ HỘI