Tìm kiếm
Close this search box.

Du học sinh Việt Nam kể về nghề điều dưỡng tại Đức: Liệu tôi có hối hận khi sang Đức làm nghề điều dưỡng?

Nhiều người bảo sang Đức làm điều dưỡng viên chỉ làm việc vệ sinh cá nhân cho người già thì có gì đâu mà đáng tự hào? Sự thật thì chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ…

Qua một buổi hội thảo được tổ chức tại trường, Thu Thảo biết đến chương trình du học để trở thành điều dưỡng viên chuẩn quốc tế tại Đức. “Chính bởi các chính sách ưu đãi của chính phủ Đức như: Miễn học phí, nhận trợ cấp học nghề ngay trong thời gian học cùng cơ hội du lịch châu Âu, cơ hội phát triển bản thân rộng mở đã khiến mình quyết định lựa chọn sang Đức học tập” Thảo nhớ lại.

Mang theo 2 chiếc vali cùng một giấc mơ màu hồng, Thảo đặt chân đến thành phố Hamburg. Thế nhưng, niềm vui của những ngày đầu háo hức chẳng kéo dài được bao lâu, trở ngại đầu tiên xuất hiện như một kẻ phá bĩnh chẳng ai mong gặp: Ngôn ngữ. Vốn tiếng Đức B1 mà Thảo đã học tại Việt Nam không đủ để sống và học tập tại Đức. Lớp học của Thảo hầu hết là các bạn nước ngoài, nói chuyện theo âm điệu địa phương nên rất khó nghe. “Phải mấy tháng đầu mình ngại giao tiếp và không nói chuyện với ai”.

Bí quyết để Thảo sớm thích nghi với cuộc sống tại Đức chính là “mặt dày”, chủ động giao tiếp dù có thể nói sai. “May mắn là mình gặp được đồng nghiệp rất kiên nhẫn, tốt bụng, họ sẵn sàng sửa sai và động viên rất nhiều để mình cố gắng hơn nữa”. 

Sự cố gắng của Thảo đã được đền đáp vào năm 2019, sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp do chính phủ Đức tổ chức, Thu Thảo chính thức trở thành điều dưỡng viên chuyên nghiệp. “Từ một cô gái bánh bèo vô dụng hàng sáng mẹ gọi khản cổ mới thức dậy khi còn ở Việt Nam. Giờ đây, mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, cái gì cũng biết làm và tự lo được cho bản thân mình”, Thảo nói.

Du học sinh Việt Nam kể về nghề điều dưỡng tại Đức: Liệu tôi có hối hận khi sang Đức làm nghề điều dưỡng? - 1

Theo Thảo một ca làm việc của điều dưỡng viên tại Đức kéo dài 8 tiếng/ngày. Làm việc ca sáng, chiều hay tối sẽ do trưởng ca sắp xếp và 1 tuần làm việc khoảng 40 – 44 tiếng. 

Điều dưỡng thực hiện các công việc: Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn (Đo huyết áp, cân nặng, đường huyết), tiêm truyền, chịu trách nhiệm về quá trình chăm sóc và điều trị, giúp đỡ bệnh nhân tất cả những công việc họ không tự làm được “Nghe công việc không nhiều nhưng trong một ca làm việc thì mình thường chịu trách nhiệm cho khoảng 12 bệnh nhân nên áp lực cũng khá lớn” Thảo nói.

Chia sẻ về nhiều ý kiến nói rằng nghề điều dưỡng vất vả, không có tiếng nói, chỉ chăm sóc người già. Thu Thảo cảm nhận rằng với những trường hợp bệnh nhân trong viện dưỡng lão, phần lớn là do họ không làm chủ được cơ thể và gia đình không đủ khả năng chăm sóc nên cần đến sự giúp đỡ của điều dưỡng, chứ không phải điều dưỡng chỉ làm các công việc vệ sinh cá nhân cho người bệnh. “Khi giúp đỡ được bệnh nhân, làm họ thấy khá hơn thì mình cũng thấy vui”.

Cũng theo Thảo, nghề nào cũng có hai mặt, nghề nào cũng có sự vất vả. Không phải cứ gác chân mà kiếm được nhiều tiền. Khi đi làm mà chỉ nhìn vào mặt tiêu cực thì các bạn sẽ mãi mãi không thấy phù hợp với ngành này. Một người điều dưỡng có kiến thức, có tấm lòng với bệnh nhân thì việc mình nhận được sự tôn trọng của bệnh nhân và người nhà là điều không khó.

Du học sinh Việt Nam kể về nghề điều dưỡng tại Đức: Liệu tôi có hối hận khi sang Đức làm nghề điều dưỡng? - 2

Nhiều bạn nhắn tin riêng cho Thảo hỏi về chương trình du học nghề điều dưỡng tại Đức. Thực tế, từ năm 2020, các du học sinh được đào tạo theo chương trình điều dưỡng đa khoa chứ không học riêng về lão khoa như trước đó. 

Theo đó “Chương trình học này tuy khó hơn, kiến thức nhiều hơn, nhưng sau tốt nghiệp, du học sinh được cấp bằng Cao đẳng điều dưỡng đa khoa có giá trị quốc tế và được lựa chọn làm việc tại bất kỳ cơ sở y tế nào như: Bệnh viện đa khoa, viện dưỡng lão, viện nhi hay trung tâm chăm sóc sức khỏe …” Thảo đánh giá.

Nhìn lại hành trình hơn 4 năm học tập, sinh sống tại Đức và gần 2 năm công tác tại vị trí điều dưỡng viên chuyên nghiệp, Thảo dần nhận ra con đường trở thành điều dưỡng viên chuyên nghiệp tại Đức là lựa chọn đúng đắn của cuộc đời.

“Hoàn toàn không lo thất nghiệp, mấy tháng trước mình cũng đi xin việc và ở viện nào cũng đồng ý, thậm chí họ có thể đưa hợp đồng làm việc cho mình ngay lập tức. Mình đã được trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thu thập được nhiều kinh nghiệm; tự tin trong giao tiếp với bệnh nhân, người nhà, đồng nghiệp. Khi mình có kiến thức và năng lực thì ở đâu cũng được tôn trọng”. 

Theo Cục Thống kê liên bang Đức, hiện nay, mức lương của điều dưỡng viên tại Đức thường dao động từ 2500-3200 Euro/tháng (khoảng 70-90 triệu đồng). Tính đến năm 2030, nước Đức vẫn cần thêm 200.000 điều dưỡng viên đến từ nước ngoài.

Du học sinh Việt Nam kể về nghề điều dưỡng tại Đức: Liệu tôi có hối hận khi sang Đức làm nghề điều dưỡng? - 3

Đặc biệt, với nghề điều dưỡng, điều Thảo nhận lại không đơn giản là một vị trí công việc ổn định với mức thu nhập tốt mà còn nhận được nhiều tình cảm từ chính bệnh nhân của mình. Thảo nhớ lại: “Noel ở Đức là dịp lễ lớn, mọi người mua sắm, trang trí nhà cửa… cũng như Tết của Việt Nam. Không khí ấy khiến mình rất nhớ người thân và gia đình, nên dù mình có mạnh mẽ đến mấy thì cũng chạnh lòng. Không ngờ các bệnh nhân của mình đã bọc quà, trang trí rất cẩn thận tặng mình. Nhận được thanh chocolate giản dị thôi nhưng thấy bản thân được mọi người yêu thương nên mình rất cảm động”.

Cựu du học sinh chia sẻ đã từng tiếp nhận một bệnh nhân bị đột quỵ dẫn đến liệt nửa người. Ông ấy không thể nói chuyện như trước và không thể tự làm được bất kỳ công việc nào. Thảo đã phải dùng hết sự kiên nhẫn để chăm sóc, động viên, khuyên bệnh nhân cố gắng. Sau một thời gian được chăm sóc thì bệnh nhân minh mẫn hơn và đến nay đã có thể đi lại được. “Khi được biết ông ấy nuôi một người cháu từ nhỏ do bố mẹ ly hôn và rất mong được chứng kiến người cháu tốt nghiệp, mình đã rất hạnh phúc khi giúp bệnh nhân có sức khỏe và thực hiện mong muốn của họ”, Thảo chia sẻ.

Nói về những dự định trong tương lai, Thu Thảo vẫn chưa quyết định việc sẽ sinh sống tại Đức hay sẽ trở về Việt Nam nhưng Thảo khẳng định “Mình không hối hận khi đã sang Đức. Sau khi trở thành điều dưỡng viên chuyên nghiệp, cảm nhận được bệnh nhân cần sự giúp đỡ của mình, mình thấy công việc này có rất nhiều ý nghĩa. Cho tương lai, mình có thể học thêm để phát triển bản thân hết sức có thể”.

VICAT – Trung tâm tư vấn du học nghề điều dưỡng Đức tại Việt Nam. Hiện, VICAT cung cấp gói học bổng trị giá 20 triệu đồng cho nhóm đối tượng tốt nghiệp THPT 2021 và quyết định lựa chọn du học nghề điều dưỡng tại Đức. 

                                                                                                  Ngọc Thiện

Thông báo mới

Previous slide
Next slide
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x